Cung cấp tiền Tiền

Quá trình cung cấp tiền ngày nay

Trên lý thuyết có thể phân biệt hai loại tiền khác nhau. Loại thứ nhất là tiền của ngân hàng quốc gia, do ngân hàng quốc gia phát hành hay tiêu hủy, tiền mặt thuộc về loại tiền này. Loại thứ hai là tiền xuất phát từ các ngân hàng thương mại mà chính xác thì chỉ là các yêu cầu thanh toán tiền (các khoản phải thu). Phương cách cung tiền thông dụng nhất là cho vay.

Các ngân hàng thương mại cung cấp tiền bằng cách cho khách hàng vay tiền. Sau khi chấp nhận cho khách hàng vay tiền, ngân hàng sẽ ghi khoản tiền này vào tài khoản của khách hàng và người vay có thể chuyển khoản số tiền này đến các khách hàng khác của ngân hàng hay đến khách hàng của các ngân hàng khác. Tiền được tạo thành thông qua chu trình này vì một mặt tiền được đưa vào lưu hành nhưng về mặt khác chỉ hình thành yêu cầu thanh toán của ngân hàng đối với người vay và chỉ là một mục của các khoản phải thu trong bản cân đối kế toán của ngân hàng. Ngược lại khi hoàn trả nợ thì tiền được tiêu hủy đi vì tiền quay về ngân hàng và món nợ được thanh toán.

Vì khoản tiền vừa được tạo thành lại có thể là cơ sở để tạo thành các khoản tiền khác nên trên lý thuyết không có giới hạn tối đa cho các khoản tiền do ngân hàng tạo thành. Để kiểm soát quá trình này ngoài các quy định cân đối kế toán (nợ quá mức, bảo chứng vốn tự có) còn có dự trữ tối thiểu bắt buộc, tức là các ngân hàng thương mại phải ký thác tại ngân hàng quốc gia một tỷ lệ nhất định của số tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng.

Khi vốn tự có của ngân hàng cộng với tiền gửi của khách hàng không đủ để có thể cho vay nhiều như ý muốn ngân hàng thương mại có thể vay tiền từ ngân hàng quốc gia, người ta gọi đó là tái cấp vốn.

Ngân hàng quốc gia cũng có thể tạo thêm tiền mà không cần phải cho vay, ví dụ như bằng cách mua ngoại tệ, kim loại quý hay chứng khoán. Ngoài công cụ này ra ngân hàng quốc gia còn có thể chủ động mua trái phiếu hay cho ngân hàng thương mại vay. Việc cho chính phủ vay tiền đã bị cấm trong vùng Euro từ bước thứ hai của Liên minh Tiền tệ châu Âu trong năm 2004, tức là nhà nước không được phép vay tiền của ngân hàng quốc gia. Tại Mỹ thì lại khác: Ví dụ như vào ngày 17 tháng 11 năm 2004 mục "U.S. Treasury" (trái phiếu của ngân khố Mỹ) đã chiếm đến 89,3% tổng tài sản của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nói một cách khác đồng Đô la Mỹ được "bảo chứng" gần như hoàn toàn bằng nợ quốc gia của chính phủ Mỹ.

Để một khách hàng của ngân hàng có thể thanh toán các giao dịch bằng tiền ở bên ngoài hệ thống ngân hàng, ngân hàng quốc gia in tiền giấy và các ngân hàng có thể "vay" (đúng ra là "mua" cùng với một thỏa thuận mua lại của ngân hàng quốc gia) để trả cho khách hàng (tiền mặt). Ngân hàng quốc gia đưa ra một lãi suất nhất định khi đưa tiền cho các ngân hàng thương mại, gọi là lãi suất cơ bản.

Toàn bộ hệ thống tiền tệ có thể được miêu tả dưới dạng của một bản cân đối kế toán. Ở một bên là tiền trong lưu hành, bên kia là các khoản nợ tương ứng, dự trữ vàng và tiền cộng với chứng khoán thuộc về sở hữu của ngân hàng quốc gia. Mỗi một khoản tiền có trong tài khoản và mỗi một tờ tiền giấy đều tương ứng với một mục nợ (khoản phải thu) hay là một mục tài sản trong bản cân đối kế toán của ngân hàng quốc gia.

Thị trường tiền

Đọc bài chính về thị trường tiền tệ

Cũng giống như cho hàng hóa và dịch vụ, có thị trường tiền với cung và cầu tồn tại cho việc vay tiền. Các tư nhân và doanh nghiệp có nhu cầu tiền và đồng thời cũng là nguồn cung ứng khi gởi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Hệ thống ngân hàng là người môi giới giữa 2 nhóm này và vì thế làm cho thị trường có hiệu quả hơn vì người tiết kiệm tiền và người muốn vay tiền không phải tự tìm kiếm cho từng giao dịch nữa. Ngân hàng lấy tiền công cho dịch vụ này bằng hiệu số giữa lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay. Lãi suất hình thành từ thị trường này được quyết định bởi cung và cầu và trên nguyên tắc chính là giá phải trả cho việc mượn tiền.

Ngân hàng quốc gia có thể tạo ảnh hưởng lên thị trường tiền bằng cách hoặc là gián tiếp tác động đến cung và cầu thông qua lãi suất dành cho tiền của ngân hàng quốc gia hoặc là chủ động tạo ảnh hưởng đến việc cung ứng tiền trong khuôn khổ của chính sách gọi là chính sách thị trường mở. Trong chính sách này ngân hàng quốc gia mua một số chứng khoán nhất định và trả bằng tiền của ngân hàng quốc gia. Tiền được đưa thêm vào trong hệ thống lưu hành. Ngược lại ngân hàng quốc gia cũng có thể bán chứng khoán và qua đó mà lấy tiền ra khỏi hệ thống. Lãi suất dành cho tiền của ngân hàng quốc gia hay dành cho tiền gửi tại ngân hàng quốc gia chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường tiền vì chỉ khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay tiền hay gửi tiền tại ngân hàng quốc gia.

Tiền pháp định

Tiền pháp định hay tiền định danh(Fiat money) dùng để chỉ tiền được phát hành (thông thường là bởi một ngân hàng quốc gia) mà không có cơ sở bảo chứng đầy đủ, tức là hoặc là bảo chứng không toàn bộ hay lặp thừa (tautologic).

  • Một bảo chứng là không toàn bộ khi nhận lại những vật mà giá trị thực tế ít hơn là giá trị trên danh nghĩa.
  • Một bảo chứng là lặp thừa khi những vật nhận lại không có giá trị hay chỉ nhận lại được yêu cầu thanh toán (nợ phải thu) lại dựa trên fiat money.

Fiat money xuất phát từ tiếng La Tinh fiat lux (sẽ có ánh sáng) vì loại tiền như vậy có thể dễ dàng tạo thành khi có nhu cầu (sẽ có tiền) và người tạo ra chúng (thường là ngân hàng quốc gia) không cần phải có hàng hóa để bảo chứng. Tiền pháp định không có giá trị cố định và thường được xác định giá trị thông qua sắc lệnh của chính phủ.[2]

Khả năng tạo ra fiat money chỉ tồn tại cho đến chừng nào mà những người tham gia trên thị trường (tư nhân, ngân hàng và các doanh nghiệp khác) cho là tiền phát hành này vẫn có một giá trị nhất định. Những người ủng hộ fiat money cho rằng hình thức tạo nên tiền này không mang lại nguy hiểm cho kinh tế (vì người phát hành phải có một độ đáng tin cậy cao) trong khi những người chỉ trích lại nhìn thấy đây là một phương thức làm giàu không công bằng của chính phủ và làm đánh thuế một cách gián tiếp vào túi tiền của người dân vì lạm phát.